Trong công việc và đời sống, phản ứng của bạn khi gặp phải một tình huống khó xử khi giao tiếp và cộng tác trong môi trường "Đa văn hoá" (ví dụ: đi công tác nước ngoài, hay làm việc trong công ty đa quốc gia) là gì? Có phải chúng ta dễ dàng rơi vào tâm trạng ngại ngùng, bối rối và tự nhủ “thật kỳ lạ, tôi không quen với cách làm việc/ giao thiệp đó” hoặc “chúng tôi không hiểu ý họ thật sự là gì”. Ngày nay, việc Team Members và stakeholders đến từ nhiều đất nước và nền văn hoá khác nhau hiện đã trở nên cực kỳ khổ biến trong các tổ chức. Trong những môi trường như vậy, bạn sẽ dễ trở nên lúng túng và giảm hiệu quả trong công việc. Tôi từng làm việc với những Agile/ Scrum team đa văn hoá và bắt gặp những tình huống khó khăn thường xảy ra trong Sprint Planning, nơi các ý tưởng cần được chia sẻ, trao đổi nhưng vì rào cản giao tiếp mà dễ tạo ra những hiểu lầm. Hay trong Sprint Review, nơi cần có những trao đổi và cộng tác, phản hồi tường minh về sản phẩm nhằm tối ưu hoá Value Stream cũng như kế hoạch sắp đến, thì các Stakeholders ngại nói về điều tiêu cực nên thường vòng vo hoặc lảng tránh, khiến team bối rối trong việc xác định các phản hồi. Ngay cả trong Sprint Retrospective, nơi cần có được những phản hồi chân thật, phù hợp, mang tính xây dựng để Scrum Team cùng cải thiện cách làm việc. Event này cần không khí cân bằng, giao tiếp đúng mực, thân thiện và cởi mở, nhưng đâu đó có tình huống một phản hồi quá trực diện sẽ bị hiểu thành sự công kích.
Thông qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài nguyên nhân chính tạo ra những khó khăn, thử thách trong giao tiếp đa văn hoá. Qua đó chúng ta có thể cải thiện việc giao tiếp trong team/ tổ chức trở nên hiệu quả hơn.
Theo Erin Meyer - chuyên gia nghiên cứu về văn hoá, hai trong số những yếu tố quan trọng tạo ra vô vàn khó khăn, thử thách trong việc giao tiếp ở môi trường đa văn hoá là:
Mức độ ngữ cảnh trong giao tiếp (context) Trong một nhóm đa văn hoá, ngoài ngôn ngữ, phong cách giao tiếp là một trong những chìa khoá quan trọng để mở ra cơ hội cộng tác ăn ý và lâu dài. Theo nhà nhân chủng học E. T. Hall, văn hoá giao tiếp giàu ngữ cảnh (High context communication) và giao tiếp nghèo ngữ cảnh (Low context communication) là hai cực của mức độ rõ ràng trong cách giao tiếp (gồm bằng lời nói hoặc không bằng lời nói).
Cách một cá nhân giao tiếp sẽ thể hiện một phần nào đó về nền tảng văn hoá của họ. Ví dụ, một số nền văn hoá Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore có xu hướng giao tiếp giàu ngữ cảnh, trong khi các nền văn hoá như Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Đức, Đan Mạch lại có xu hướng giao tiếp nghèo ngữ cảnh. Văn hoá đánh giá/ phản hồi (feedback) Có hai phong cách đánh giá/ phản hồi thường thấy trong giao tiếp là Phản hồi trực diện (direct) và Phản hồi vòng vo (indirect), mỗi một nền văn hoá khác nhau sẽ có phong cách phản hồi khác nhau: Trong một số nền văn hoá – ví dụ Hà Lan hoặc Đức, việc phản hồi luôn đề cập trực tiếp, thẳng thừng và rõ ràng đến những điều chưa tốt và cần cải thiện mà không dùng bất cứ vỏ bọc như kỹ thuật "sugar coasting" hay "good bad good" làm thông điệp trở nên nhẹ nhàng hoặc dễ nghe hơn. Nhưng từ góc độ của người nhận thông điệp, nếu họ thuộc nhóm văn hoá phản hồi vòng vo, ví dụ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, họ sẽ có thể cảm thấy khó chịu và cho rằng việc phản hồi trực tiếp là thiếu lịch sự và không tôn trọng hoà khí. Thậm chí với một số nền văn hoá xem trọng thể diện, việc phản hồi có xu hướng tiêu cực trực diện trước một nhóm người thường được cho là hành động làm “mất mặt” và dễ gây ra mâu thuẫn, hiềm khích. Ngược lại, nhóm có văn hoá Phản hồi vòng vo (indirect) (Nhật Bản hoặc Hàn Quốc) nêu lên một nhận xét về điều chưa tốt nhưng dùng thông điệp ngụ ý, bóng bẩy và nhiều tầng nghĩa, hoặc họ muốn phản đối một ý kiến nào đó nhưng lại không bao giờ muốn nói đến những từ tiêu cực như “Không”, “Không tốt”, “Không đẹp”. Những lưu ý trong việc cải thiện hiệu quả của việc giao tiếp và cộng tác trong môi trường đa văn hoá Những khác nhau trong giao tiếp, cộng tác của những nền văn hoá được hiểu và quan tâm nhằm nâng cao thấu hiểu và tôn trọng sự đa dạng (Diversity), từ đó cải thiện sự hoà nhập (Inclusion) và sự công bằng (Equity) trong nhóm hoặc tổ chức đa văn hoá, chứ không phải nhằm tạo thiên kiến (Bias) hoặc định kiến (Prejudice) về những khuôn mẫu (Stereotype) cứng nhắc. Dưới góc độ một nhà lãnh đạo, việc có thêm hiểu biết về đa dạng văn hoá, qua đó có được tư duy mở và sự thích nghi với sự khác biệt sẽ củng cố cho trí tuệ văn hoá (Cultural intelligence). Trí tuệ văn hoá kết hợp với quan sát, lắng nghe, học hỏi và dung hoà sẽ góp phần đáng kể trong việc tạo ra sự cân bằng trong giao tiếp và cộng tác đa văn hoá. Quá trình này không diễn ra một sớm một chiều mà là sự tiến hoá liên tục thông qua Chủ nghĩa kinh nghiệm (Empiricism), đòi hỏi cả người lãnh đạo và đội nhóm liên tục theo dõi, quan sát, thích nghi và cải thiện. Những nét đặc trưng trong giao tiếp ở mỗi nền văn hoá chỉ mang tính chất tương đối. Nghĩa là không phải tất cả những người thuộc nền văn hoá châu Á đều thích giao tiếp giàu ngữ cảnh hoặc phản hồi vòng vo. Và một người thích giao tiếp nghèo ngữ cảnh từ Châu Âu không hẳn sẽ thích việc phản hồi trực diện, thẳng thắn. Bên cạnh đó, một nền văn hoá A được cho là giàu ngữ cảnh hơn so với nền văn hoá B, nhưng lại có thể nghèo ngữ cảnh hơn so với nền văn hoá C. Do đó, việc hiểu được tính tương đối, kèm với việc nắm bắt tình huống, lắng nghe cẩn thận, học hỏi và thích nghi từng chút một là sẽ giúp chúng ta tránh được những tình huống dở khóc dở cười, do bỏ qua tính tương đối văn hoá. Ví dụ: khi gặp một đồng nghiệp người Nhật, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn liên tục dùng cách giao tiếp vòng vo với ý nghĩa bóng bẩy nhưng lại quên mất việc người đó từng làm việc nhiều năm tại Mỹ? Tóm lại, làm việc trong môi trường đa văn hoá không còn là một vấn đề xa lạ đối với các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp, cộng tác hiệu quả trong team và tổ chức đa văn hoá sẽ giúp cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội để sáng tạo ra những giá trị độc đáo, tiến bộ nhằm tối ưu hoá cơ hội kinh doanh, lợi thế cạnh tranh trên thị trường đầy biến động trong kỷ VUCA. Reference: The Culture Map: Breaking through the Invisible Boundaries of Global Business - Erin Meyer The SAGE Encyclopedia of Intercultural Competence - Kyoung-Ah Nam Image: https://magdamiu.com/2024/03/07/the-culture-map-by-erin-meyer/
|