Chúng ta (Loài người) luôn khao khát có thể đoán biết được tương lai. Chiêm tinh học khởi nguyên, hay đến bói toán mê tín dị đoan đều phục vụ cho mong muốn này. Sở dĩ chúng ta muốn đoán biết tương lai là vì từ ngàn xưa, con người vẫn ao ước có thể điều khiển và định đoạt số mệnh của mình. Nói khác đi, chúng ta không thích những xui rủi bất ngờ ập đến, có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của mình (Từ thời tổ tiên chúng ta vẫn đã luôn sợ một con sư tử có thể xuất hiện bất ngờ sau lùm cây, nỗi sợ này đã ăn sâu vào trong giống loài và là một vô thức tập thể - Collective unconscious của con người). Chúng ta thích trật tự, có thể nắm bắt, đoán biết, và khả năng kiểm soát phải nằm trên tay mình. Nhưng thế giới vẫn có cách hoạt động của nó, thế giới vẫn vận hành độc lập với ước mơ về “Trật Tự” của con người. Mặc cho con người có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, tự nhiên vẫn hoạt động theo cách thức của nó, đầy hỗn loạn và bất định. Con người có thể đã tìm ra được nhiều cách khác nhau để thay đổi tự nhiên như: tạo ra được năng lượng xanh, thay đổi thời tiết, cải tạo sa mạc thành ốc đảo… Nhưng đó cũng chỉ là một ảo tưởng, khi hậu quả của những thành tựu đó là những cái giá phải trả khác và chỉ góp phần tăng thêm sự hỗn loạn trong tự nhiên. Ví dụ như chúng ta có thể làm mưa cho một vùng đất khô hạn bằng cách bắn lên trời những chất giúp tích tụ mây, nhưng điều đó lại tạo ra sự khô hạn cho một cùng đất khác?! Lẽ trên đã chia chúng ta thành hai lối tư duy khác nhau, hai cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết hay đối mặt với vấn đề. Một là chủ nghĩa Giản lược (Reductionism) và hai là chủ nghĩa Kết nối (Connectivism). Chủ nghĩa Giản lược đơn giản là cách tiếp cận, tìm hiểu bản chất của một điều gì đó bằng cách chia nhỏ chúng ra thành những phần nhỏ hơn, hoặc cơ bản hơn, qua đó có thể hiểu được vấn đề đó bằng việc hiểu được những phần đã cấu tạo nên chúng. Lấy ví dụ, để nâng cao năng suất làm việc, người ta chia nhỏ công việc ra thành nhiều bước nhỏ, dễ và có thể đo lường được, sau đó tập trung nghiên cứu để cải tiến từng bước nhỏ đó, qua đó tối ưu năng suất làm việc của cả một quy trình. Trong khi đó chủ nghĩa Kết nối lại nhìn bản chất của một vấn đề, sự việc không chỉ nằm trong từng bộ phận nhỏ cấu tạo nên chúng, mà con là sự tương tác giữa các thành phần nhỏ đó với nhau, và với môi trường xung quanh chúng. Sự tương tác giữa các yếu tố này không thể hiểu, hay đoán trước được. Trong chủ nghĩa Kết nối (Connectivism) thì không thể hiểu được vấn đề bằng cách hiểu từng thành phần riêng lẻ của nó được. Vậy lối tư duy nào là đúng? Giản lược hay Kết nối? Câu trả lời là trong môi trường nào thì Giản lược là phù hợp và môi trường nào tư duy Kết nối phù hợp. Thường trong một “Môi trường khép kín” (closed system) thì chủ nghĩa Giản lược (Reductionism) là một lối tư duy phù hợp. Ví dụ: Bạn có một nhà máy, và nhà máy này không bao giờ phải lo về đầu ra của thành phẩm, bạn luôn có những đối tác tin cậy, và luôn sẵn sàng đặt hàng của bạn mỗi năm tăng thêm 30%. Về phần nguyên liệu đầu vào, bạn cũng có những đối tác tin cậy và luôn cho bạn những thứ cần thiết bất cứ khi nào bạn yêu cầu. Nguồn nhân lực của bạn cũng dồi dào, và không có sự biến động về số lượng cũng như kỹ năng. Trong giả dụ này, nhà máy của bạn là một hệ thống khép kín. Lúc này việc chia nhỏ những quy trình, và tối ưu hoá chúng là một cách làm thông minh. Thậm chí đến một lúc nào đó, bạn có thể tối ưu hoá nhà máy của mình thành một nhà máy thông minh có thể hoạt động tự động 100% bằng robot và giảm thiểu những rủi ro sai sót từ con người. Nhưng nếu bài toán được mở rộng ra. Nhà máy của bạn có nhiều đối thủ cạnh tranh khác nhau, người dùng đầu cuối có những thay đổi về thị hiếu, khiến đối tác của bạn có những thay đổi về kiểu mẫu cũng như chất lượng trong đơn hàng. Nguồn cung đầu vào của bạn không ổn định, và chất lượng nguồn cung không đảm bảo v.v. Lúc này lối tư duy Giản lược không còn phù hợp nữa. Cuộc chơi đã phức tạp hơn, khó đoán hơn và cần đến lối tư duy Kết nối. Bạn sẽ cần quan sát rộng hơn đến thị trường, nhu cầu người dùng cuối, nguồn cung, và nhiều yếu tố khách quan khác, và cách những yếu tố này tương tác với nhau có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhà máy. Lúc này bạn sẽ nhận ra việc cố gắng kiểm soát mọi thứ là điều không thể. Vì những yếu tố xung quanh đó không thể kiểm soát được, và khi đã nhìn mọi thứ bằng lối tư duy Kết nối, thì Chủ nghĩa kinh nghiệm sẽ giúp bạn đối phó với sự phức tạp và hỗn loạn ngoài kia. (Bạn có thể đọc thêm nhiều bài khác nhau tôi đã viết về Chủ nghĩa kinh nghiệm:
Tôi lấy ví dụ này để nói rằng, trong thực tế một hệ thống khép kín rất hiếm khi tồn tại, hoặc chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Mọi thứ đều kết nối và tương tác với nhau, đó mới là thế giới mà chúng ta đang sống. Vậy tư duy về việc cố gắng nghĩ mọi thứ là một hệ thống đóng sẽ khiến bạn luôn gặp khó khăn, và kém cạnh tranh hơn bao giờ hết. Thay vào đó trang bị cho mình cái nhìn đúng về thế giới và học các thích nghi với sự hỗn loạn mới là cách tốt nhất để có thể tiếp tục phát triển. Lãnh đạo ngày hôm nay cần gì? Thế giới là hỗn loạn và khó đoán. Bạn cần nhìn thế giới đúng theo bản chất thực sự của nó, học cách thích nghi, cũng như giúp tổ chức của mình có khả năng thích nghi trong kỷ VUCA. Tôi đã từng viết một bài viết phân tích về chủ đề này, bạn có thể đọc thêm tại đây: Thế giới đã thực sự trở lên hỗn loạn? Lựa chọn của bạn sẽ làm nên con người của bạn, chọn thay đổi bản thân để có thể thích nghi với sự bất ổn hay cố gắng sắp xếp mọi thứ theo trật tự mà mình mong muốn? Bạn sẽ chọn điều gì?
|