Bạn có từng tham dự những cuộc họp để tìm cách giải quyết một vấn đề, nhưng mãi không tìm ra được ý tưởng đột phá nào? Scrum Team của bạn trải qua nhiều Sprint nhưng không tìm ra được ý tưởng nào để giải quyết vấn đề hiện tại, hay mang lại một giá trị mới cho khách hàng? Ngày nay, những nhân tố mới, giá trị mới (innovation) luôn là chìa khoá để thành công. Khách hàng luôn ngày một mong muốn nhiều hơn vào sự đột phá. Chính vì vậy, Công ty, Tổ chức nào không thể tạo ra sự khác biệt, hay giá trị mới, sẽ dần lùi lại nhường bước cho những ai có thể tạo ra những giá trị mới (như Apple đã làm).
Nhưng những giá trị mới (innovation) không phải cứ nói là có thể làm được. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải được nuôi dưỡng, và biết cách nuôi dưỡng. Những năm gần đây và cho đến bây giờ, công việc của tôi gắn liền với việc hỗ trợ và xây dựng những đội nhóm có khả năng tạo ra sự khác biệt (high performance team of innovation), hay còn gọi là Scrum Team. Tôi thấy rằng có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến việc làm sao để xây dựng một nhóm gồm: những thành viên có tiềm năng tạo ra Innovation, và tạo điều kiện cho những cá nhân này cùng nhau làm việc (Collaboration) một cách hiệu quả (Performance).
Cognitive diversity: Chìa khoá cho innovation là sự đa dạng hoá trong nhóm làm việc. Những cá nhân có cùng quan điểm, mảng kiến thức trong một nhóm, thường sẽ có cách giải quyết giống nhau. Nó sẽ tốt nếu bạn cần giải quyết những vấn đề đã rõ cách giải quyết, hoặc cho những công việc ít phức tạp hơn, không cần nhiều sự sáng tạo. Nhóm này sẽ nhanh chóng dựa trên kinh nghiệm, và khả năng của họ trong mảng kiến thức đó, giải quyết vấn đề hoặc thực hiện công việc theo nhóm hoặc riêng lẻ (vì thường nhóm này sẽ có kỹ năng gần như nhau cho một vấn đề cụ thể). Vì vậy nếu một vấn đề bạn đã biết rõ cách giải quyết, thì nhóm này sẽ thực thi và giải quyết nó một cách nhanh chóng theo hướng dẫn, hoặc kế hoạch cụ thể đã đề ra. Nhưng khi bạn cần ý tưởng mới, đột phá cho một vấn đề mà chưa ai biết được câu trả lời hay phải làm thế nào? Hoặc một vấn đề phức tạp (Complex), nơi mà Best practice không còn tồn tại. Thì bạn sẽ cần đến những cá nhân có quan điểm khác nhau, những kỹ năng/ kiến thức cũng khác nhau. Vì lúc này câu trả lời không còn nằm trong vùng kinh nghiệm hiện có của nhóm, hoặc một cá nhân riêng lẻ nào trong nhóm nữa. Mà nó đòi hỏi phải có sự kết hợp của những cá nhân có quan điểm và kỹ năng khác nhau.
Những cá nhân này với những suy nghĩ khác biệt, sẽ cùng nhau tạo ra được cái nhìn toàn cảnh hơn, nhiều sáng kiến khác nhau hơn. Vì họ có nhiều mảng kiến thức, cái nhìn, và kinh nghiệm khác nhau, qua đó sẽ có sự phân tích, tách bạch và mang lại cái nhìn rộng hơn, đa dạng hơn về một vấn đề mà họ đang cần giải quyết. Từ đó, họ sẽ có nhiều cơ hội tạo ra innovation hơn là một nhóm có cùng quan điểm và kiến thức.
Cultural intelligence (CQ): Trí tuệ văn hoá Trí thông minh ngày nay được chia ra rất nhiều mảng khác nhau, Christopher Earley và Soon Ang đã đưa ra khái niệm về “Trí tuệ Văn Hóa” trong cuốn sách cùng tên năm 2003. Nếu bạn bước vào một công ty mới, bạn sẽ cảm thấy bỡ ngỡ. Đơn giản vì bạn đang còn xa lạ với văn hoá ở nơi làm việc mới, và bạn sẽ cần vài tuần để làm quen. Sự khác nhau giữa những người có CQ cao sẽ dễ dàng nhìn thấy, chấp nhận sự khác biệt hơn, tự tin hơn, tốn ít thời gian để hoà nhập hơn, và có khả năng liên kết sự khác biệt này để tạo thành điểm mạnh của nhóm so với người có CQ thấp hơn. Để xây dựng một nhóm có tính đa dạng về nhận thức, bạn sẽ cần những cá nhân có khả năng liên kết sự khác biệt của nhóm. Hay nói là bạn sẽ cần những cá nhân có CQ cao. Psychological safety: Tâm lý an toàn Trong một nhóm, một cá nhân sẽ cảm thấy xấu hổ, nếu ý kiến của mình đưa lên bị cười chê hoặc đánh giá thấp, dẫn đến có thể cá nhân đó sẽ không muốn chia sẻ nữa. Với tôi, những nhóm này rất cần một vùng đất an toàn và màu mỡ nơi mà có thể ươm mầm sự cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, qua đó xây dựng lòng tin giữa cách thành viên. Trong đó họ sẽ thoải mái cống hiến, chia sẻ quan điểm, cùng nhau cộng tác giải quyết vấn đề hay xây dựng sản phẩm. Việc có một nhóm luôn có tâm lý thoải mái, chia sẻ những suy nghĩ mà không cảm thấy sẽ bị đánh giá sẽ mang lại nhiều ý tưởng đa dạng hơn. Ngoài ra, bạn cũng sẽ không muốn chia sẻ ý tưởng mới nếu tổ chức có xu hướng trách phạt những ý tưởng tồi. Và điều gì sẽ xảy ra nếu một tổ chức kêu gọi sự sáng tạo nhưng lại không chấp nhận những sai lầm? Bạn cũng sẽ không dám thử nghiệm hay trải nghiệm điều mới, vì bạn sợ rằng sai lầm của mình sẽ bị khiển trách. Nhưng, trong một môi trường tìm kiếm sự sáng tạo, thì trải nghiệm cũng như sai lầm là điều cần thiết để có thể học hỏi từ sai lầm và tạo ra innovation. Điều gì xảy ra nếu không có sự thống nhất trong lời nói và việc làm đến từ tổ chức hay lãnh đạo? Mất lòng tin sẽ là điều hiển nhiên, và innovation sẽ ngày càng xa vời. Vậy, tổ chức và lãnh đạo nên hiểu rằng những ý tưởng mới luôn cần có sự đột phá và trải nghiệm, những trải nghiệm đó giúp nhóm học hỏi và thích nghi. Qua đó mới trả lời được điều gì là giá trị mới mà khách hàng sẽ yêu thích. Nên việc có được tư duy đúng về giá trị của sai lầm, sự cởi mở là cần thiết (Đọc thêm: Giúp Scrum team của bạn tốt hơn qua những sai lầm), và có được cách thức phù hợp để tạo ra một không gian an toàn cho nhóm tự do, phát triển và sáng tạo để đạt được "mục tiêu chung" là rất quan trọng. Nếu bỏ qua góc độ cuối cùng này, thì dù là một nhóm với những cá nhân có CQ cao, và đang có mong muốn tạo ra innovation nhiều bao nhiêu thì cũng sẽ dễ dàng tan vỡ trong chớp mắt khi chính họ phải đối mặt với những vấn đề trên. "Tôi không nói nhiều về Scrum trong bài viết này, những giá trị Scrum mang lại đã được tôi chia sẻ rất nhiều qua các bài viết trước đây. Nếu bạn hứng thú tìm hiểu, bạn có thể tìm đọc lại nhé." |