Coaching mang lại nhiều giá trị có tính gia tăng theo thời gian, và được cho là bền vững đối với những người được Coach. Nhưng ở mức độ nhóm, cộng đồng, tổ chức thì sao? Coaching sẽ mang lại giá trị gì đến với một nhóm, nếu nó được định hình thành một văn hoá? Dưới đây là một vài chia sẻ về những giá trị mà văn hoá Coaching có thể mang lại cho những tổ chức nào đang muốn nuôi dưỡng nó.
Giá trị của Văn Hoá Coaching - Scrumviet
Giá trị của Văn Hoá Coaching - Scrumviet


​Người có mức độ linh hoạt cao nhất là người nắm giữ nhiều “quyền lực” nhất.

Dù trong bất kỳ hệ thống nào, cho dù đó là nơi làm việc, trong gia đình hay trong cộng đồng, người có khả năng linh hoạt cao nhất là người thực sự nắm giữ quyền lực trong bất kỳ tình huống, cuộc gặp gỡ hoặc một trải nghiệm nhất định nào. Vì cơ bản những người này thường ít khi bị lúng túng để giải quyết một vấn đề, thay vào đó họ luôn có đủ sự linh hoạt để có hướng tiếp cận và có giải pháp mới cho vấn đề đó. Điều này khiến họ dễ dàng thành công và có được vị thế cao hơn trong cuộc sống.

Trong Life Coach, một phần của những gì mà tôi sẽ tập trung vào là giúp mọi người phát triển tâm lý linh hoạt. Thay vì để Coachee tập trung vào vấn đề, tôi hướng họ vào nhìn vào giải pháp. Sự nhận thức và giá trị của thói quen sẽ được xây dựng, nhằm giúp Coachee xây dựng một thói quen hành vi mới là luôn tìm kiếm giải pháp cho vấn đề, thay vì đào bới nó.
Khi tôi cố gắng giải quyết một vấn đề, thứ tôi thấy chỉ toàn là vấn đề, khó khăn, cản trở. Chúng bắt đầu khiến tôi mệt mỏi và lạc hướng, dần chiếm lấy tâm trí tôi và khiến tôi chìm sâu trong vô vọng.

Khi tôi nhìn vào giải pháp, mọi giải pháp đều ở đó, mọi thứ đều trở nên khả thi, giống như những cánh cửa đang mở rộng. Đó là sức mạnh của việc tập trung vào giải pháp.

- Khoa Doan
Nhân rộng ra với nhóm và tổ chức? Bạn nghĩ sao nếu một nhóm nuôi dưỡng được văn hoá này? Đó sẽ là một sức mạnh rất lớn, mà nhóm hay tổ chức nhận được nếu nuôi dưỡng văn hoá Coaching. Tổ chức có văn hoá Coaching sẽ trở nên linh hoạt hơn, và có thể điều chỉnh hay thích nghi với nhiều tình huống phức tạp vì họ luôn có nhiều giải pháp hơn những tổ chức chỉ tập trung vào vấn đề và chìm đắm trong vấn đề đó. Đó là lý do nhiều tổ chức ngày nay muốn áp dụng văn hoá Coaching trong môi trường Agile của mình.

Không có gì là thất bại. Đón nhận thất bại như một thông tin phản hồi. Học từ thất bại và cải thiện mình tốt hơn mới quan trọng.

Văn hoá chỉ trích và đổ lỗi thường xuất hiện ở những tổ chức xây dựng hệ thống thưởng khi làm đúng, và trách phạt khi làm sai. Khi có một vấn đề xảy ra, thay vì tìm kiếm giải pháp, những tổ chức này thường dành nhiều giờ, nhiều ngày để truy cứu trách nhiệm.

Trong những tổ chức này bạn sẽ dễ bắt gặp văn hoá nói nhiều làm ít, đổ lỗi và nhiều sự tiêu cực khác. Nỗi sợ sai, và sợ bị trách phạt sẽ cản trở cá nhân hay nhóm trong tổ chức đó dám thử những giải pháp mới. Điều này dẫn đến những chuyện rất thường thấy trong những tổ chức có cách làm việc cũ, là có những vấn đề xảy ra từ năm này đến năm khác nhưng không ai dám đụng tay vào để thay đổi chúng. Hay những kế hoạch được đặt ra rồi sau đó không ai thực thi, hay biến chúng thành hiện thực. Ở những tổ chức này không có sự sáng tạo, vì nỗi sợ sai bao trùm lên mọi người khiến họ chùn bước để thử điều mới.

Ở phía đối lập, có những tổ chức hiểu được mặt hạn chế của việc quản lý bằng “nỗi sợ”. Họ thay thế điều đó bằng văn hoá thử nghiệm. Họ hiểu được giá trị của thử nghiệm, thất bại không có trong từ điển của họ mà thay vào đó chỉ là một mẫu thử, qua đó họ biết được cách để làm tốt hơn. Ở trong những tổ chức này, văn hoá Coaching nếu được tồn tại song song, thì qua Coaching, có thể giúp từng cá nhân và nhóm kết nối, xây dựng niềm tin, và tạo ra sự linh hoạt cao nhất để có được những giải pháp tốt nhất có thể cho tình huống mình gặp phải. Coaching giúp cá nhân, nhóm nhận thức, nhận định vấn đề một cách rõ ràng và liên kết nó đến kết quả mong muốn. Qua đó, cá nhân hay nhóm sẽ có thiên hướng tìm ra nhiều giải pháp có giá trị hơn, và giữ họ cân bằng giữa việc quá chăm chú vào vấn đề nhưng lại không nhìn vào những giải pháp thay thế khác.

Trong công việc, khó khăn cản trở có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Khi văn hoá Coaching được nhân rộng và giống như "không khí" trong tổ chức đó, thì việc Coach có thể không chỉ xảy ra giữa lãnh đạo và nhân viên, mà có thể là bất kỳ ai. Các thành viên trong team cũng có thể Coach lẫn nhau. Từ đó sự gắn kết giữa cá nhân và cá nhân được nhân lên gấp nhiều lần. Không chỉ vậy, qua Coaching lẫn nhau, từng cá nhân, từng thành viên vượt qua nỗi sợ sai. Họ sẽ có nhận thức rõ hơn về mục đích của công việc, có động lực biến ý tưởng thành hành động, nhiều giải pháp sẽ được biến thành thực tế hơn. Những nhóm có văn hoá Coaching sẽ có khả năng tốt hơn trong việc đối mặt với khó khăn. Dần dà, nhóm sẽ dần có tính tự quản, và tự giải quyết được vấn đề.


​Kết Luận

Coaching giúp cá nhân tập trung vào xây dựng giải pháp, qua đó cá nhân đó sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Ở mức độ nhóm hay tổ chức có văn hoá Coaching thì điều này vẫn đúng, và giá trị của nó được nhân lên nhiều lần. Một nhóm hay tổ chức luôn hướng tới giải pháp, có sự linh hoạt thường sẽ đạt được nhiều thành công hơn.

Coaching giúp cho nhóm hay tổ chức vượt qua vấn đề và nỗi lo lắng thất bại. Bằng cách tạo ra nhận thức rõ ràng về mục tiêu và cách để đạt được mục tiêu đó. Lúc này mọi vấn đề đều chỉ là "thông tin", và luôn có giải pháp để hướng tới thành công. Những nhóm hay tổ chức có văn hoá Coaching sẽ có sự cam kết cao với việc biến những ý tưởng thành kết quả qua hành động cụ thể thay vì sợ hãi. Ngoài ra, những nhóm có văn hoá Coaching thường có tính tự quản cao hơn.