Vai trò Product Owner đối với Việt Nam còn mới mẻ, chỉ mới vài năm trở lại đây, người ta mới bắt đầu nói về nó, và nhiều công ty bắt đầu cần và tuyển dụng những ứng viên cho vị trí Product Owner. Nhưng thực ra vai trò Product Owner không hề mới, Product Owner là một trong ba vai trò của Scrum, mà Scrum thì đã hơn 20 năm tuổi.
"Để làm một Product Owner không khó, nhưng để trở thành một Product Owner giỏi thì không dễ", vì không ai khác chính Product Owner sẽ là người quyết định và định hướng cho sản phẩm đó, để mang lại thành công cho sản phẩm. Nhưng trong những bối cảnh phức tạp, cạnh tranh thị trường, và sự thay đổi liên tục của thị hiếu người dùng, luôn là những trở ngại lớn mà người Product Owner phải đối mặt và vượt qua.
Một trong những câu hỏi mà người Product Owner luôn phải cố gắng tìm câu trả lời là: làm sao để biết được giá trị sản phẩm mới mình làm ra là đúng với nhu cầu người dùng? Giá trị hiện tại của sản phẩm là gì? Kế hoạch/chiến lược sắp tới cho sản phẩm là gì? Để biết được điều này trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục, đối thủ luôn ra những sản phẩm, chức năng mới để cạnh tranh, quả thật là một thử thách khó khăn. Trong thời gian đảm đương vai trò Senior Product Owner cho một tập đoàn lớn, tôi giữ vai trò chính trong việc xây dựng và phát triển những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp tại thời điểm đó. Tôi đã rút ra được mấu chốt cần thiết để mang lại cho người Product Owner một "công thức thành công". Qua đó để mang lại thành công cho sản phẩm, người Product Owner cần phải có hai tố chất cơ bản:
Sự Đồng Cảm Định nghĩa của sự đồng cảm theo Wiki: Đồng cảm là khả năng hiểu hoặc cảm nhận những gì người khác đang trải qua trong khung tham chiếu của họ, nghĩa là khả năng đặt bản thân vào vị trí của người khác. Để trả lời được câu hỏi: Value sản phẩm của tôi là gì? Và làm sao có thể biết được giá trị nào là cần cho người dùng? Thật khó, nếu bạn không có được sự đồng cảm. Khi bạn muốn xây dựng một sản phẩm, hay một giá trị sản phẩm mới, bạn có hiểu và cảm nhận được người dùng tại sao lại thích, và không thích nó không? Tại sao khách hàng lại thích sử dụng sản phẩm của bạn? Nó mang lại giá trị gì cho họ? Có một câu nói thế này: "Nếu bạn chưa mang đôi giày của người khác, bạn sẽ không thể hiểu họ." Vậy để có được sự đồng cảm, bạn phải biết lắng nghe và học cách đi trên đôi giày của khách hàng của bạn, để hiểu được khó khăn, và những mong muốn hiện tại của khách hàng. Qua đó chính bạn sẽ là người giúp khách hàng giải quyết những khó khăn, và đó chính là Value mà sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng của mình.
Nói đơn giản: Lắng nghe, thấu hiểu và sự cởi mở trong tâm trí là cơ bản của sự đồng cảm. Đặt mình vào vị trí khách hàng, tự trả lời mình có thể làm gì để giúp họ, tạo ra ý tưởng đột phá để thực hiện điều đó (Đọc thêm: Product Value). Uber là một ví dụ, dịch vụ này được xây dựng trên sự thấu hiểu nhu cầu đi lại của con người và khó khăn họ đang gặp phải. Uber đã đi đôi giày của khách hàng của mình. Hiểu được họ đang có những khó khăn: về việc người dùng cần đi lại bằng xe hơi (Chi phí cao, khó đón xe, không được thông báo lịch trình xe đang từ đâu đến...) và khó khăn từ tài xế (xe trống, khó kiếm khách hàng). Bạn thấy đó! Qua sự thấu hiểu khách hàng, dịch vụ đặt xe qua app Uber đã ra đời và thay đổi thói quen đi lại của hàng triệu người trên thế giới.
Khả năng cân bằng giữa "Con Thú Đói" và "Đứa Bé Xấu Xí" Thuật ngữ "Con Thú Đói" và "Đứa Bé Xấu Xí" (tạm dịch từ: Hungry Beast and Ugly Babies) được nhắc đến trong một chương của quyển sách: Creative, Inc. Tóm tắt ngắn gọn như vầy: Khi sản phẩm của bạn đã không còn là Start-Up, lúc này bạn sẽ đối mặt với một con thú, con thú đói khát thành công, như: sự phát triển, lớn mạnh, sẽ thúc đẩy bạn muốn nhiều hơn nữa (có thể đến từ nhiều phía: nhà đầu tư, thị trường...). Những điều này sẽ tạo thành một áp lực: là phải có sự phát triển liên tục của sản phẩm và đưa nó nhiều hơn đến người dùng. Bạn sẽ muốn gia tăng năng suất, không muốn team phát triển đứng lại. Bạn sẽ như con thú đói, nóng lòng làm nhiều hơn và đưa ra thị trường nhanh hơn nữa. Vòng lặp này sẽ khiến bạn lãng quên tầm quan trọng của những ý tưởng mới, sự đột phá, hay quá vội vàng tung ra thị trường một thứ chưa sẵn sàng. Những "ý tưởng mới" sẽ được xem như những đứa trẻ. Có những ý tưởng khởi đầu đã hay nhưng rất hiếm (trong tương lai chưa chắc sẽ thành công), cũng có những ý tưởng ban đầu không tốt, nhưng chưa chắc khi nó được nuôi dưỡng và lớn lên thì sẽ không tốt. (Nếu bạn biết câu chuyện về Kodak, khi ý tưởng về phim kỹ thuật số - nó ban đầu như một đứa bé xấu xí, không ai chấp nhận nó, nhưng nó lại là một sự đột phá trong tương lai). Sản phẩm của bạn luôn cần những sự đột phá, và mang lại sự mới mẻ, những giá trị mới cho người dùng. Nếu sự ươm mầm bị ăn mất bởi con "Thú", có thể trong tương lai xa, bạn sẽ bị tuột lại bởi những đối thủ khác. Vì vậy, chính bạn, Product Owner, là người phải hiểu được sự cân bằng giữa việc nuôi "Con Thú Đói" và ươm mầm những "Đứa Bé Xấu Xí". Không quá vội vàng, bảo vệ, ươm mầm những giá trị tiềm năng trong tương lai, nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục phát triển sản phẩm, để đáp ứng được nhu cầu cần thiết của business hiện tại. Kết Luận Với một người Product Owner, tay trái giữ sự "Đồng Cảm", tay phải nắm dây cương để giữ cân bằng cho chiếc xe hai bánh, một là "hiện tại", một là "tương lai" - Nuôi "Con Thú Đói", bảo vệ "Những Đứa Bé Xấu Xí" là điều cơ bản để mang lại thành công cho product. PS: bạn muốn tìm hiểu hơn về Product Owner hay về product? Hãy xem qua những lớp học hiện tại của Scrumviet. |