FAST Goal là gì?
FAST Goal là một phương thức đặt mục tiêu và đo lường cho nhóm hay tổ chức tương đối mới, được Donald Sull và Charles Sull chia sẻ gần đây vào năm 2018. Trong bài viết đầu tiên của mình Donald Sull và Charles Sull chia sẻ rằng họ đã nghiên cứu và thống kê hơn 500.000 công ty, tổ chức thành công về cách tạo ra mục tiêu và đạt được chúng. Họ đã tìm ra công thức thành công chung của những công ty, tổ chức này trong việc đặt ra và đạt mục tiêu, và gọi nó là “4 nguyên tắc cốt lõi” để đặt một mục tiêu hiệu quả.
FAST Goal là phương thức được cấu thành từ 4 nguyên tắc cốt lõi:
Frequently Discussed Hầu hết những công ty tôi từng làm việc và tư vấn, họ sẽ có những quy trình và tiến trình tạo ra mục tiêu. Nhưng đa phần sẽ có những điểm chung như - Họ có những chuỗi những sự kiện vào đầu năm, và đặt mục tiêu, sau đó ghi nó vào hệ thống quản lý. Nhưng sau đó hiếm khi mục tiêu đó được quan tâm, nhìn lại hay thảo luận trên nó. Mà thường là cuối năm mục tiêu đó mới được xem lại và đánh giá đã đạt hay chưa?! Donald Sull và Charles Sull nhận thấy rằng điểm chung của những công ty có hiệu quả cao trong việc đặt ra và đạt được mục tiêu là họ luôn có văn hoá thảo luận về mục tiêu của mỗi ngày, trong mọi hoạt động kinh doanh. Mục tiêu luôn được khuyến khích trong mọi cuộc họp hoặc những thảo luận một - một. Vậy lợi ích của việc liên tục thảo luận về mục tiêu và tiến trình đạt được nó là gì? ĐIều này sẽ đảm bảo việc liên tục kiểm tra và thích nghi những công việc hay kế hoạch sắp tới có phù hợp hay giúp đạt được mục tiêu hay không. ĐIều này sẽ gia tăng khả năng tập trung và tránh những lãng phí hay rủi ro không đáng có. Ở những tổ chức này, các cấu trúc của buổi họp thường sẽ được tạo ra để giúp cho nhóm có cơ hội thảo luận và nhìn lại mục tiêu của mình thường xuyên. Ambitious Một vấn đề khác, tôi cũng nhận thấy ở các tổ chức lớn đó là: lương, thưởng vào cuối năm sẽ có liên hệ mật thiết với mục tiêu tăng trưởng của năm đó có đạt được hay không. Câu chuyện muôn thuở là các mục tiêu đặt ra thường sẽ có thiên hướng dễ đạt được, hoặc ít nhất "đã xác định" rằng sẽ đạt được trong năm sau. Điều này có liên quan đến lương, thưởng vào cuối năm, nên việc các nhóm có thiên hướng như vậy là thường thấy. Dẫn đến các mục tiêu đặt ra thường sẽ dễ đạt được, hoặc đã có sự "không minh bạch" trong việc đặt mục tiêu như: ca cẩm rằng mục tiêu đó rất khó, nhưng thực chất là gần như đã đạt được trong tay. Tôi hay gọi đây là “có mục tiêu mà cũng như không”. Những team này thường lặp lại những công việc họ cho là đã tốt để đảm bảo an toàn, và thường những đội nhóm này ít sáng tạo và không có coi trọng, hay cam kết vào mục tiêu (vì nó là giả). Dần dà, điều này dẫn đến văn hoá tiêu cực, mất lòng tin giữa lãnh đạo và nhân viên. Lãnh đạo than phiền nhân viên không cống hiến, nhân viên thì oán trách lãnh đạo chỉ quan tâm đến lợi nhuận, và ép họ phải cam kết với những mục tiêu xa rời thực tế. FAST hướng nhóm đến một cách tiếp cận mới, đó là thay vì chỉ dựa trên những con số năm cũ, và đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm sau. Thì các lãnh đạo và nhân viên cùng nhau tạo ra một mục tiêu vừa đủ thử thách, vừa không quá xa vời với thực tế. Mục tiêu này cũng hướng đến giá trị người dùng và kết nối nó với tầm nhìn công ty, chứ không phải chỉ là những con số % tăng trưởng. Để làm được điều này, dĩ nhiên nó cần có nhiều yếu tố bổ trợ khác nhau (Văn hoá, phương thức làm việc, cách chia phúc lợi, thưởng…). Nhưng nếu mục tiêu đó có tham vọng đủ lớn về giá trị người dùng, và không quá xa rời thực tế, sẽ mang lại giá trị và giúp cho tổ chức đó vượt trội. Điều này sẽ giúp cho các đội nhóm hiểu rõ trách nhiệm, mục tiêu, và giá trị công việc của mình. Qua đó, họ sẽ có động lực, sự cam kết, và sáng tạo hơn trong việc theo đuổi mục tiêu. Specific Tính chi tiết này trong FAST có sự tương đồng với SMART goal, chữ S trong SMART goal cũng có nghĩa là Specific. Ý nghĩa và tính chất cũng có phần tương tự, nhưng nếu nói rõ ra như thế nào là một mục tiêu rõ ràng, thì nó phải chi tiết và có được cách đo lường rõ ràng (điều này cũng có tính chất tương tự với OKR, tức là phải rõ ràng về mục tiêu và làm sao để biết bạn đã đạt được mục tiêu đó). Đơn giản việc một mục tiêu càng rõ ràng bao nhiêu, thì nó càng có cơ hội đạt được bấy nhiêu. Điều này giống như việc bạn nói: "Tôi muốn trở thành cầu thủ bóng đá giỏi" sẽ không đủ chi tiết bằng việc bạn xác định: "Tôi muốn trở thành một cầu thủ đá banh trong 1 năm nữa, tôi sẽ là một trung vệ giỏi trong 6 năm tiếp theo, tôi sẽ chơi cho đội tuyển Quốc Gia Viet Nam, và tôi muốn cùng đội tuyển đạt được huy chương vàng Sea Game vào năm tôi 25 tuổi." Mục tiêu thứ hai chi tiết hơn và định rõ hơn những mốc thời gian, giúp bạn biết được khi nào và làm sao để bạn xác định được rằng bạn đã đạt được mục tiêu (huy chương vàng Sea Game vào năm tôi 25 tuổi, với vai trò Trung Vệ trong đội tuyển quốc gia). Transparent Tính minh bạch trong FAST có sự tương đồng lớn với Scrum. Việc minh bạch các mục tiêu theo cấp bậc và mục tiêu giữa các cá nhân, nhóm ngang hàng với nhau sẽ thúc đẩy nhiều giá trị lớn. Các nhóm có thể dễ dàng điều chỉnh và xác định liệu mục tiêu của mình có phù hợp và liên kết chặt chẽ với những mục tiêu chung của tổ chức hay không. Hay thậm chí giữa các nhóm cũng có thể mang lại lợi ích hợp tác với nhau để đạt được mục tiêu chung thay vì chỉ quan tâm và biết mỗi mục tiêu của mình. Áp dụng Scrum cùng FAST Goal
Bạn sẽ dễ nhận thấy những điểm tương đồng giữa Scrum và FAST Goal. Trong khi FAST Goal rất cần một phương thức làm việc, hỗ trợ để xây dựng và phát huy bốn nguyên tắc: Frequently Discussed, Ambitious, Specific, Transparent, thì Scrum cho thấy là một framework có thể đáp ứng nhiều hơn cả như vậy. Ngoài ra, khi áp dụng FAST Goal vào Scrum team, thì chính Scrum team cũng được hưởng lợi từ công cụ này trong xác định mục tiêu và đo lường chúng.
Scrum hỗ trợ nguyên tắc Frequently Discussed như đã đề cập ở đầu bài viết, khi trong Scrum luôn có những Event, giúp cho Scrum team liên tục tìm hiểu, xác định và theo đuổi mục tiêu của sản phẩm trong mỗi Sprint. Scrum hỗ trợ nguyên tắc Ambitious khi Scrum xác định rõ vai trò Product Owner, có trách nhiệm tối ưu hoá giá trị sản phẩm cho người dùng và liên kết nó mới mục tiêu của tổ chức. Hơn nữa, việc xây dựng mục tiêu này luôn được Product Owner chia sẻ và minh bạch nó với các bên liên quan để đảm bảo tính Transparent. Bản thân, Scrum cũng khuyến khích việc share goal (Mục tiêu của Scrum team là mục tiêu chung, của tập thể), và qua đó các thành viên đều có thể đóng góp ý kiến và quan điểm để đảm bảo mục tiêu luôn có tham vọng nhưng không quá tầm và khả năng hiện tại. Scrum giúp mục tiêu Specific, khi trong Sprint Planing, Scrum team luôn đi qua ba phần: Why, What, How. Điều này giúp Scrum team hiểu rõ được Product Goal là gì? Sprint Goal thế nào? Và làm sao để đạt được Sprint Goal? Vai trò của Product Owner cũng có trách nhiệm xác định và làm rõ Product Goal của mình, và làm thế nào để đạt được nó. Qua đó mang thêm sự chi tiết , liên kết và minh bạch cho mục tiêu. ——-- Tóm lại, FAST goal là một phương thức giúp bạn xác định mục tiêu và theo đuổi chúng, nó cũng có sự tương đồng với những công cụ đặt mục tiêu và đo lường khác như S.M.A.R.T, OKRs vân vân. Tuỳ vào những nhu cầu hiện tại mà bạn lựa chọn cho mình công cụ phù hợp nhất. Nhưng phải hiểu rõ bản chất và giá trị mà công cụ đó có thể mang lại. Việc sử dụng chúng cần có thời gian và phương thức phù hợp, Scrum có thể giúp bạn áp dụng FAST, và tối ưu hoá nó. Ngoài ra bạn có thể áp dụng Scrum cùng EBM framework với FAST goal. Đây sẽ là bộ ba vô cùng mạnh mẽ nếu bạn hiểu rõ và biết cách áp dụng. Scrum on! |